Đức Linh với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Đức Linh với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc


Cháy hết mình trên sân khấu với mỗi tiết mục, làn điệu, câu ca là những gì chúng tôi cảm nhận được từ các diễn viên không chuyên trong huyện sau mỗi Liên hoan, Hội diễn văn nghệ. Với mỗi người dân Đức Linh, văn hóa văn nghệ (VHVN) quần chúng không chỉ là món ăn tinh thần hướng đến điều tốt đẹp trong cuộc sống,  góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn là cầu nối giúp mọi người gần nhau hơn.
Đức Linh hiện có hơn 100 câu lạc bộ, tổ, đội văn nghệ ở các xã thị trấn. Mỗi câu lạc bộ, tổ, đội văn nghệ có từ mười đến hàng chục hạt nhân là các diễn viên, nhạc công quần chúng. Xuất thân từ các xóm thôn, gắn liền với công việc nhà nông, nhưng với niềm đam mê nghệ thuật, các diễn viên, nhạc công không chuyên tự trang bị âm thanh, vừa tâp hợp tổ chức phát triển phong trào văn nghệ vừa sáng tác kịch bản, đạo diễn, biên đạo. Do đó, mỗi chương trình, tiết mục biễu diễn luôn trong sáng và chân thật. Ngay cả khi thiếu thốn phương tiện, kinh phí, vật chất hoặc khó khăn về điều kiện tổ chức tập luyện, biểu diễn thì họ vẫn luôn biết cách sáng tạo ra những sản phẩm VHVN quần chúng phù hợp nhất để vừa thỏa mãn niềm say mê ca hát, vừa đáp ứng nhu cầu người xem. Chị Lê Thị Lan, ở thôn 2, xã Mê Pu chia sẻ khi tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng các thôn khu phố văn hóa huyện Đức Linh lần thứ V/2016: “Với anh chị em chúng tôi, sau mỗi ngày làm việc vất vả lại được ca hát, được biểu diễn là niềm vui không gì bằng”.
Khi tham gia Liên hoan, Hội diễn văn nghệ, các diễn viên quần chúng. luôn xem đây là cơ hội để giao lưu học hỏi kinh nghiệm và khẳng định phong trào VHVN ở cơ sở. Bởi vậy ai cũng cố gắng hết sức mình, hàng ngày các diễn viên vất vả với cuộc sống mưu sinh là vậy, mà lên sân khấu biểu diễn thật đẹp, thật hay. Mỗi hạt nhân văn nghệ, chính là ngọn lửa nghệ thuật lan truyền trong cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao chất lượng phong trào VHVN quần chúng và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ VHVN của các tầng lớp nhân dân trong huyện.
Trong niềm vui, niềm háo hức của các diễn viên, chúng ta thấy thêm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là động lực để họ tiếp tục thi đua lao động sản xuất đạt hiệu quả cao hơn, hỗ trợ tích cực cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa, cuộc sống văn minh trong cộng đồng dân cư. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển phong trào VHVN quần chúng và xây dựng tình đoàn kết, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh.
Các hoạt động VHVN quần chúng thường được tổ chức gắn với các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của dân tộc, đặc biệt là Tết Nguyên đán hàng năm.  Nhiều câu lạc bộ văn nghệ hoạt động hiệu quả, như: Câu lạc bộ đờn ca tài tử Võ Xu, Câu lạc bộ chèo Vũ Hòa,… Những câu lạc bộ này không chỉ biểu diễn mà còn truyền dạy cho các thành viên kế cận, góp phần duy trì và phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Để mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động VHVN quần chúng. Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể tích cực tổ chức các hoạt động VHVN, đưa các hạt nhân tiêu biểu đi dự thi ở tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động của các câu lạc bộ, đội văn nghệ; hướng dẫn, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Việc phát huy, bảo tồn và khơi dậy những hoạt động VHVN quần chúng không chỉ tạo sân chơi giải trí lành mạnh trong nhân dân, mà còn góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển và phát triển bền vững.
Theo Trung Nguyên

Share:

0 nhận xét